Binance và CZ chấp nhận đóng phạt để khép lại vụ kiện với Bộ Tư pháp Mỹ, cũng như đặt dấu chấm hết cho một trang tự do bay bổng, thích gì làm nấy của tiền mã hóa…
Hồi kết của một tiền mã hóa “phi biên giới”
Sáng ngày 22/11/2023, thị trường tiền mã hóa chấn động với tin tức Binance chấp nhận mức phạt 4,3 tỷ USD và nhà sáng lập Changpeng Zhao (CZ) từ chức CEO để khép lại cuộc điều tra do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tiến hành.
Nhiều người xem đây là một bước lùi của sàn giao dịch Binance khi phải chi trả số tiền quá lớn cùng loạt rắc rối pháp lý kéo dài. Nhưng hơn cả thế, đây có thể xem như dấu chấm hết của một chương dài trong lịch sử tiền mã hóa, hồi kết của lý tưởng “crypto không biên giới”.
“Miền Tây hoang dã”
Cryptocurrency có nhiều hình hài. Minh bạch, phi tập trung, công nghệ tiến bộ, tự do tài chính. Và cũng là phi-biên-giới.
Thuở mới biết đến crypto, ắt hẳn các bạn đã từng một lần nghe đến cách nói rằng:
“Tiền mã hóa không có biên giới. Không xét đến quốc gia. Ai ở bất kỳ đâu, với bất kỳ điều kiện nào, không cần có tài khoản ngân hàng cũng có thể tiếp cận đến crypto.Chỉ cần gửi BTC ở Việt Nam là khoảng vài phút sau người ở Mỹ đã nhận được rồi, không như chuyển tiền ngân hàng truyền thống,…”
Thật vậy, ưu thế của tiền mã hóa thể hiện rõ nhất ở tính chất xuyên biên giới này. Trong khi với ngân hàng truyền thống, việc chuyển tiền qua lại giữa các quốc gia vô cùng nhiêu khê. Người dân bình thường muốn chuyển tiền ra nước ngoài đã khó, các tổ chức, công ty lớn muốn thực hiện giao dịch là cần nhiều thủ tục hơn.
Bitcoin xuất hiện cũng vì lý tưởng giải quyết khó khăn này. Thậm chí, blockchain có ưu thế đến nỗi các định chế tài chính, tập đoàn đa quốc gia đã sử dụng crypto vào xử lý thanh toán, như Coin68 đã liên tục đưa tin.
Tuy nhiên, dù tốt đến đâu thì vẫn có bất lợi của nó. Giải quyết được câu chuyện chuyển tiền xuyên biên giới cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho giới tội phạm tìm đường rửa tiền.
Và từ đó, hai chữ “rửa tiền” và “tội pháp” luôn bị gắn liền với cryptocurrency.
Trang web chợ đen Silk Road – Cơn đường tơ lụa chính là minh chứng điển hình cho mặt tối này mà trong lịch sử Bitcoin không thể xóa nhòa.
Hay thực tế hơn qua các vụ hack những năm gần đây, bọn tội phạm thường lựa chọn các công cụ trộn lẫn giao dịch crypto để tẩu tán tiền, chuyển tiền nhanh qua nhiều đầu mối để xóa dấu vết,… Có thể ví dụ như Đài Loan triệt phá đường dây rửa tiền crypto lớn nhất lịch sử, liên đới 320 triệu USDT.
Giới chức các nước những năm qua cũng liên tục ghi nhận các nỗ lực điều tra, ngăn chặn và vây quét bọn tội phạm.
Cuối cùng, nhiều năm thả câu cũng đã đến lúc thu lưới.
Khi pháp lý vào cuộc
Cryptocurrency từ lâu đã rơi vào tầm ngắm của giới chức Mỹ – quốc gia được xem như là một trong những thị trường quan trọng nhất của tiền mã hóa.
Phát súng đầu tiên có lẽ là khi sàn BitMEX bị cáo buộc rửa tiền, thao túng thị trường hồi 2020. Dù công ty mẹ của BitMEX đăng ký pháp nhân tại Seychelles, sàn vẫn phải chịu ràng buộc pháp lý với chính quyền Mỹ.
Cuối cùng, sàn phải chấp nhận đóng phạt đến 100 triệu USD và cựu CEO Arthur Hayes nhận tội trước tòa mới có thể xem như là “dàn xếp” xong. Nhưng cái tên BitMEX cũng không còn giữ được ánh hào quang như xưa.
Tiếp đến là câu chuyện của Tornado Cash. Nền tảng máy trộn giao dịch này vốn được xem là một biểu tượng của tinh thần phi tập trung và ẩn danh mà DeFi theo đuổi. Nhà sáng lập và đội ngũ các lập trình viên của Tornado Cash vốn muốn tạo ra một nền tảng giúp cộng đồng bảo vệ danh tính và tài sản của mình, giữa thời buổi quyền riêng tư cá nhân dễ dàng bị xâm phạm như hiện nay.
Nhưng mục đích tốt cuối cùng lại có kết cục đáng tiếc. Dẫn lý do Tornado Cash kể từ năm 2019 đến nay đã được dùng để rửa hơn 7 tỷ USD tiền mã hóa bẩn, ngày 08/08/2023 Mỹ liệt website Tornado Cash vào danh sách trừng phạt, rồi bắt giữ nhà đồng sáng lập vài ngày sau đó.
Dù cộng đồng không ngừng đấu tranh đòi trả lại công bằng cho đội ngũ dự án, các nền tảng DeFi cũng như CeFi khác như Uniswap, Aave, Balancer đều phải “cắn răng” tuân thủ theo hàng loạt quy định của Mỹ để được cung cấp dịch vụ cho người dùng nước này. Nếu không, nhiều khả năng họ sẽ lại rơi vào kết cục tương tự như Tornado Cash.
Nổi tiếng nhất trước Binance có lẽ là FTX. Chắc hẳn không ai còn quá xa lạ với sự vụ FTX/Alameda sụp đổ và cựu CEO Sam Bankman-Fried (SBF) phải đối mặt với bản án trước tòa.
FTX có trụ sở tại Hong Kong, sau đó chuyển đến Bahamas. Dù SBF luôn muốn thâm nhập thị trường Mỹ, thông qua các thương vụ tài trợ và quyên góp chính trị, nhưng hàng trăm triệu USD đổ đi chỉ để có được một nhánh FTX.US không quá nổi bật. Và cuối cùng, mội nỗ lực đều trở thành số 0 tròn trĩnh.
Binance cũng “nuôi” một đứa con Binance.US khá “khó khăn” khi phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của chính quyền Mỹ. Trong khi đó bên ngoài nước Mỹ, sàn Binance quốc tế thỏa sức “tung hoành”, cho phép người dùng chuyển tiền đến bất kỳ đâu hay cung cấp các mức đòn bẩy margin, futures cao “ngất ngưỡng”.
Vì lẽ đó, thuở mới bị Mỹ kiện cáo, Binance còn hùng hồn tuyên bố:
“Luật pháp Mỹ chỉ kiểm soát được các công ty hoạt động trong nước chứ đâu thể kiểm soát cả thế giới được.”
Nhưng rồi Binance, chứ không phải Binance.US, chấp nhận nộp phạt. Và CZ phải bay từ Dubai (UAE) – quốc gia vốn không có thỏa thuận dẫn độ với Mỹ – sang Seattle để trình diện, cũng chấp nhận đơn bảo lãnh trị giá 175 triệu USD để được tại ngoại trong lúc chờ ngày tuyên án, dự kiến là vào 23/02/2024.
Hay ít nhận được sự chú ý hơn là sàn Bittrex. Sau khi đã phải nộp phạt 24 triệu USD và tuyên bố phá sản cho chi nhánh Mỹ, Bittrex Global cũng phải ngừng hoạt động. Dù trước đó sàn cũng khẳng định chỉ rút khỏi thị trường Mỹ còn thị trường toàn cầu vẫn hoạt động bình thường.
Kể cả những sàn crypto gốc Mỹ như Coinbase hay Kraken, hoạt động lâu năm và đã xin được giấy phép ở quốc gia này, thậm chí là còn IPO trên sàn chứng khoán, cũng không thể tránh khỏi “mũi giáo” pháp lý từ Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Tất cả những câu chuyện này có một điểm chung là dù đăng ký hoạt động ở đâu, dù là DeFi hay sàn CEX, chỉ cần có hoạt động ở thị trường Mỹ đều phải chịu chấp nhận quy định quản lý của nước này. Những công ty crypto dám “thách thức” đều đã có kết cục không mấy tốt đẹp.
Trang cũ khép lại, chương mới mở ra
Thời của các công ty tiền mã hóa phi biên giới đã qua. “Dev ẩn danh”, không lộ danh tính cũng vẫn có thể đối mặt với các bản án pháp lý như thường.
Tâm lý lợi dụng một thị trường mã hóa “ẩn nặc”, khó truy vết để trục lợi sẽ không thể tiếp tục được nữa.
Các công ty crypto giờ đây buộc phải “chơi đúng luật chơi” mà các quốc gia đặt ra, không thể vin vào lý do “phi tập trung, phi biên giới và không bị kiểm soát” để biện hộ cho các hành vi sai trái hay trục lợi từ nhà đầu tư được nữa.
Sự việc của Binance sẽ khép lại một năm 2023 đầy ảm đạm, cũng như khép lại một trang “tự do bay bổng”, “thích gì làm nấy” của thị trường tiền mã hóa nữa.
Dù khá đáng buồn khi tiền mã hóa càng ngày càng giống như tài chính truyền thống mà chính chúng ta đã từng đứng lên chỉ trích, nhưng nhờ đó mà cộng đồng người dùng được bảo vệ nhiều hơn, giới tội phạm sẽ khó có thể lợi dụng crypto được nữa,…
Dù tốt hay xấu, dù lợi hay hại, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng một chương của thị trường tiền mã hóa đã qua. Crypto phải chấp nhận điều chỉnh theo khung pháp lý của từng quốc gia mới có thể tồn tại và phát triển được.
Các tổ chức crypto bị giới chức Mỹ nhắm đến trong giai đoạn 2022-2023
Trong cuộc họp báo về án phạt 4,3 tỷ USD với Binance, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick B. Garland nói:
“Thông điệp được đưa ra là hết sức rõ ràng: Sử dụng công nghệ mới để lách luật không hề mang lại bất kỳ đột phá nào. Nó vẫn là hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Tư pháp sẽ không dung thứ cho những thủ đoạn đe dọa đến các định chế kinh tế của nước Mỹ, đe dọa niềm tin của người dân vào các định chế đó. Chúng tôi sẽ truy tố những cá nhân vi phạm và thu lợi từ chúng.”