1. Satoshi đăng tải Bitcoin Whitepaper – 31/10/2008
Mở đầu cho 12 năm “điên rồ” của tiền mã hóa chính là vào ngày 31/10/2008, khi người dùng với nickname Satoshi Nakamoto đăng tải đường link dẫn đến Bitcoin Whitepaper trên một diễn đàn về mật mã học.
Đường link đó dẫn đến một dạng “tài liệu” mà về sau được gọi với cái tên “Whitepaper”, với tiêu đề là:
Bitcoin: Một hệ thống tiền điện tử ngang hàng
Và từ đó, lịch sử thế giới đã thay đổi mãi mãi.
Ảnh chụp màn hình bài đăng của Satoshi Nakamoto trên diễn đàn vào ngày 31/10/2008
*Fun fact: Bản dịch tiếng Việt whitepaper của Bitcoin trên Coin68 được đăng vào ngày 31/10/2018 – tròn 10 năm ngày xuất bản của whitepaper gốc.
2. Genesis Block – 03/01/2009
Dù Bitcoin Whitepaper ra mắt vào tháng 10/2008, nhưng phải đến đầu 2009, mạng lưới Bitcoin mới chính thức khởi chạy.
Ngày 03/01/2009, Satoshi Nakamoto “đào” ra Genesis Block – block khởi nguyên của mạng lưới Bitcoin. Từ đó, Bitcoin blockchain chính thức khởi động.
Đặc biệt, Satoshi còn mã hóa một thông điệp nhúng vào Genesis Block, để hậu thế như chúng ta mãi mãi ghi nhớ cột mốc lịch sử này:
“The Times 03/Jan/2009 Chancellor on the edge of the second-enditor for the bank.”
“Tờ báo Thời Đại (Anh Quốc) ngày 03/01/2009: Bộ Trưởng chuẩn bị gói cứu trợ ngân hàng lần thứ hai.”
Thông điệp tham chiếu đến tiêu đề bài báo của tờ Thời Đại (Anh Quốc) số ra ngày 03/01/2009. Có lẽ Satoshi muốn ám chỉ cuộc Đại Suy Thoái 2008 đã lan rộng ra toàn cầu. Cũng vì thông điệp này mà nhiều người suy đoán Satoshi sống ở Anh.
3. Giao dịch Bitcoin đầu tiên – 06/01/2009
Những bước đi đầu tiên của “đứa con” Bitcoin không thể nào thiếu dấu ấn của “cha đẻ” Satoshi Nakamoto.
3 ngày sau khi đào Genesis Block, Satoshi thực hiện giao dịch Bitcoin đầu tiên trong lịch sử. Cụ thể, Satoshi đã chuyển 10 BTC cho Hal Finney – người dùng Bitcoin đầu tiên. Giao dịch này được ghi lại trong block thứ 170.
4. Bitcoin Pizza Day – 22/05/2010
Nếu giao dịch Bitcoin đầu tiên giữa Satoshi và Hal Finney chứng minh mạng lưới Bitcoin thật sự hoạt động, thì giao dịch cho thấy tính ứng dụng thực sự của BTC hơn 1 năm sau đó mới được thực hiện.
Vào ngày 22/05/2010, nhà phát triển phần mềm Laszlo Hanyecz đăng tải ý định mua 2 chiếc pizza thanh toán bằng 10.000 BTC lên diễn đàn Bitcoin.
10.000 BTC khi đó trị giá khoảng 40 USD, còn bây giờ là 450 triệu USD.
Bài đăng của Laszlo Hanyecz trên diễn đàn Bitcoin
Kể từ đó, ngày 22/05 hằng năm được xem là Bitcoin Pizza Day – thời điểm cho cộng đồng BTC toàn thế giới ăn mừng một khoảnh khắc lịch sử của thị trường.
Ngày 22/05 hằng năm là ngày kỷ niệm Bitcoin Pizza Day trên toàn thế giới
5. Wikileaks
Một trong những bài đăng cuối cùng trước khi Satoshi Nakamoto biến mất khỏi tai mắt thế gian có nội dung liên quan đến Wikileaks.
Một trong những bài đăng cuối cùng của Satoshi là liên quan đến Wikileaks
Và những tiên đoán của cộng đồng là hoàn toàn chính xác. WikiLeaks đã bị buộc phải đầu tư vào Bitcoin từ năm 2010 sau khi trang web này công bố những tài liệu mật của Mỹ về các cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan.
Vào ngày 15/10/2017, chính nhà sáng lập Julian Assange cảm ơn Chính phủ Mỹ vì đã ép WikiLeaks phải đầu tư vào Bitcoin:
“Tôi xin được gửi lời cảm ơn từ tận đáy lòng của mình đến Chính phủ Mỹ, đặc biệt là hai Thượng Nghị sĩ McCain và Lieberman vì đã ép buộc Visa, MasterCard, PayPal, AmEx, MooneyBookers,… phải dựng nên hàng rào “cấm vận” đối với WikiLeaks từ năm 2010 đến nay. Điều đó đã khiến chúng tôi quyết định đầu tư vào Bitcoin – để rồi giờ đây nhận lại được phần lợi nhuận tăng gấp 50.000%.”
6. Silk Road
Lịch sử Bitcoin không phải chỉ toàn “màu hường”. Có những sự kiện đen tối mà chúng ta không thể nào xóa nhòa. Một trong số đó chính là lý do để mãi về sau này, dù BTC có được biết đến rộng rãi như thế nào, anti-fan vẫn có thể chỉ trích Bitcoin là “dành cho giới tội phạm”.
Vì một trong những người dùng đầu tiên và lớn nhất của mạng lưới Bitcoin chính là trang web chợ đen Silk Road – Cơn đường tơ lụa.
Trang web chợ đen Silk Road, nơi mọi người mua bán “hàng cấm” và thanh toán bằng BTC
Trong suốt 30 tháng tồn tại, Silk Road đã giao dịch 9,9 triệu BTC (tương đương 500 tỷ USD) trước khi bị FBI “sờ gáy”. Vụ việc Silk Road vẫn còn ám ảnh dai dẳng đến tận ngày hôm nay, khi mà Bộ Tư pháp Mỹ tịch thu gần 1 tỷ USD tiền BTC từ ví Bitcoin lớn thứ 4 thế giới – với cáo buộc ví này thuộc quyền sở hữu của Silk Road.
Vụ việc Silk Road đã trở một trong 10 “vết nhơ” không thể xóa nhòa của Bitcoin.
7. Trung Quốc cấm BTC lần đầu tiên – 05/12/2013
Vào ngày 05/12/2013, Trung Quốc tuyên bố cấm các đơn vị thanh toán bên thứ ba sử dụng Bitcoin và phải “ngừng mọi hoạt động lưu ký, giao dịch và các dịch vụ khác liên quan đến tiền tệ”.
Đây là lần cấm cửa đầu tiên của Trung Quốc trong “tình sử” yêu-ghét với Bitcoin. Những năm sau này, hầu như năm nào chúng ta cũng phải chứng kiến 1 lần Trung Quốc nói lời “chia tay” BTC.
Với lần đầu tiên này, giá BTC đã có cú dump cực mạnh vì nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo ra thị trường.
“Trung Quốc cấm Bitcoin, giá dump mạnh” lần đầu xuất hiện vào năm 2013
8. Mt. Gox
Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2013, Mt. Gox – một trong những sàn giao dịch crypto đầu tiên và lâu đời nhất – đã xử lý đến 70% số lượng giao dịch BTC trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, như thực tế hiện nay đã chứng minh, “ôm” càng nhiều tiền càng dễ trở thành mục tiêu tấn công của bọn hacker. Và Mt. Gox cũng không là ngoại lệ.
Tháng 02/2014, hacker đã cuỗm đi 840.000 BTC từ ví nóng của Mt. Gox, buộc sàn này phải tuyên bố phá sản. Từ đó kéo dài hành trình kiện – trả nợ- xả coin đình đám từ bấy đến nay.
Mt. Gox đến tận ngày nay vẫn chưa bồi thường hết số tiền người dùng đã bị thất thoát
Sự vụ kinh điển này đã được tường thuật lại trong bài viết “Mớ bòng bong” mang tên Mt. Gox: Lược sử 4 năm sau ngày đổ sập của sàn Bitcoin lớn nhất thế giới.
Đến tận tháng 11/2023, kế hoạch bồi thường cho người dùng Mt. Gox vẫn chưa thể bắt đầu vì nhiều lý do khác nhau.
9. Ethereum (ETH) ra đời
Vào cuối năm 2013, nhà phát triển Vitalik Buterin khi ấy đang làm việc với dự án Mastercoin đã đưa ra đề xuất tạo một giao thức tổng quát hơn và hỗ trợ nhiều hợp đồng hơn.
Ý tưởng này ban đầu được Buterin gọi là Kịch bản Cuối cùng, nhưng sau đó đã phát triển thành dự án Ethereum đình đám đến ngày nay.
Đề xuất “Kịch bản Cuối cùng” ban đầu dành cho dự án Mastercoin
Sau đó được Vitalik phát triển thành Ethereum
10. Gavin Wood và ETH
Sau khi có ý tưởng về Ethereum, một trong những sự kiện giúp dự án ETH trở thành hiện thực chính là vào ngày 19/12/2013, Gavin Wood liên hệ với Vitalik đề nghị xây dựng cùng xây dựng Ethereum.
Có thể nói, nếu không có Gavin Wood, Ethereum đã không thể trở thành Ethereum của ngày hôm nay.
Gavin Wood – bộ não đằng sau nền tảng Ethereum và Polkadot. Nguồn: Kyros Ventures
Sau khi rời khỏi dự án ETH, Gavin Wood đã sáng lập nên Polkadot (DOT) – cũng là dự án vô cùng tiếng tăm trên thị trường.
11. The DAO Hack và sự ra đời của Ethereum Classic (ETC)
Ethereum cũng không thể trở thành Ethereum như ngày hôm nay, nếu không có sự kiện The DAO Hack. Vụ việc này cuối cùng dẫn đến kết quả là sự ra đời của Ethereum Classic (ETC).
Sự kiện quan trọng này đã được tường thuật trong bài viết Coin68 Blog: “The DAO” và Ethereum Classic – 2 năm nhìn lại.
The DAO Hack và Mt. Gox là 2 trong số 10 vụ hack lớn nhất lịch sử tiền mã hóa. Nguồn: Kyros Ventures
12. Hard fork Bitcoin Cash (BCH)
Vào tháng 10/2016, một số người trong cộng đồng đề xuất giải pháp SegWit, nhằm mục đích cải tiến quy mô để tối ưu hóa kích thước block của BTC.
Đến tháng 07/2017, bản nâng cấp này bị khóa vì bất đồng ý kiến trong cộng đồng. Những người ủng hộ một Bitcoin với kích thước block lớn hơn 1MB đã tiến hành hard fork ra Bitcoin Cash (BCH).
13. Vụ hack Parity
Vào tháng 11/2017, một người dùng đã phát hiện ra lỗ hổng nghiêm trọng trong ví multi-sig (ví đa chữ ký) Parity.
Tổng cộng, Parity bị đánh cắp hơn 150.000 ETH (tương đương 30 triệu USD ở thời điểm đó).
14. BitConnect (BCC) – Mô hình ponzi lớn nhất lịch sử
“Danh xứng với thực”, thời kỳ đỉnh cao, vốn hóa BitConnect (BCC) đã đạt đến 2,6 tỷ USD. Sự sụp đổ của BitConnect kéo theo hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới lâm vào cảnh trắng tay.
Chỉ hoạt động vỏn vẹn trong vòng 15 tháng, BitConnect đã đóng cửa sàn giao dịch trong vòng 5 ngày với mức giá rớt thảm hại từ đỉnh 432 USD xuống chỉ còn 0,68 USD.
Mô hình hoa hồng giới thiệu của BitConnect
15. Covid-19 và Thứ Sáu ngày 13 – 13/03/2020
Vào ngày 11/03/2020, WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Chỉ trong vòng 24 giờ sau đó, Bitcoin nói riêng và thị trường crypto nói chung đã có một ngày “Thứ Sáu đen tối” với những cú giảm cực mạnh.
Đại dịch Covid làm nhà đầu tư hoảng loạn, dẫn đến Thứ Năm đen tối (Black Thursday). Các đồng coin top đều chứng kiến mức giảm 40-50%
16. Yield Farming
Yield Farming là khái niệm mở màn cho một mùa DeFi vô cùng thắng lợi của thị trường cryptocurrency.
Tháng 06/2020, Compound ra mắt đồng token quản trị COMP, được phân phối thông qua Yield Farming – định nghĩa khái niệm hoàn toàn mới với thị trường crypto.
17. MicroStrategy mua Bitcoin
Vào ngày 11/08/2020, MicroStrategy thông báo mua 21.454 BTC với tổng trị giá hơn 250 triệu USD. Cột mốc này đánh dấu lần đầu tiên một công ty đại chúng đầu tư vào BTC.
Tính đến nay, MicroStrategy đã thực hiện nhiều lần mua Bitcoin theo một chiến thuật DCA mẫu mực. Lần gần nhất vào ngày 02/11/2023, MicroStrategy DCA với mức giá trung bình là 29.874 USD/BTC, cùng với lợi nhuận của khoản đầu tư là 26%.
Thống kê lịch sử mua Bitcoin của MicroStrategy. Nguồn: Saylor Tracker (24/11/2023)
18. Uniswap (UNI) airdrop, khởi xướng trào lưu Retroactive
Ngày 17/09/2020, sàn DEX hàng đầu thị trường Uniswap đã có một sự kiện airdrop đầy bất ngờ cho cộng đồng người sử dụng. Theo đó, những tài khoản từng giao dịch trên Uniswap trước ngày 01/09/2020 sẽ được tặng miễn phí 400 token UNI.
Tổng cộng đã có 126 triệu token UNI được “cho free”, trị giá hơn 2,8 tỷ USD.
Sự kiện Airdrop này cho thấy DeFi có thể mang lại lợi nhuận lớn đến như thế nào. Sau UNI, cộng đồng DeFi bắt đầu chú ý thử nghiệm những giao thức mới, chưa có token với hi vọng vừa trải nghiệm sản phẩm, vừa có thể nhận được token sau này. Cách thức này trở thành trào lưu “retroactive” vô cùng thịnh hành hiện nay, với những dự án có cách phát hành token tương tự như 1inch (1INCH) hay dYdX (DYDX).
19. Elon Musk, Tesla và “tình sử” với Bitcoin
Cú nổ lớn đầu năm 2021, mở màn cho mùa bull-run của thị trường, chính là việc Tesla thông báo đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin vào ngày 08/02/2021.
Chưa dừng lại ở đó, Tesla còn bắt đầu chấp nhận BTC làm phương thức thanh toán tại Mỹ. Cả thế giới dường như bùng nổ sau tin tức này. Từ khóa “Tesla, Elon Musk, Bitcoin” càn quét khắp các mặt báo. Elon Musk cũng nhanh chóng trở thành “gương mặt đại diện” cho thị trường crypto.
Sau 2 tuần mua BTC, lợi nhuận đầu tư Bitcoin vượt xa tiền lời bán xe khi Tesla thu về lợi nhuận 1 tỷ USD nhờ hiệu ứng tăng giá của Bitcoin.
Tuy nhiên, như đã phân tích trong bài viết “Trong thị trường tiền mã hóa, tin ai chứ đừng tin Elon Musk!”, vị tỷ phú Tesla nhanh chóng “lật kèo”, tuyên bố chia tay BTC vì vấn đề ô nhiễm môi trường. Tesla ngừng chấp nhận thanh toán Bitcoin, khiến giá BTC “lao dốc” vào ngày 13/05/2021.
Quý 1 của thị trường tiền mã hóa ngập tràn dấu ấn từ CEO Tesla. Nguồn: Kyros Ventures
20. Beeple và NFT
Ngày 11/03/2021, tác phẩm nghệ thuật NFT của Beeple được bán với giá 69,3 triệu USD tại sàn đấu giá danh tiếng Christie’s. Dù có nhiều lùm xùm xoay quanh thương vụ này, NFT chính thức lên sóng sau sự kiện này.
Để rồi chúng ta chứng kiến cơn sốt NFT chưa từng có trong lịch sử.
21. Trung Quốc cấm đào Bitcoin
Lại tiếp tục một màn cấm vận đến từ Trung Quốc. Như đã phân tích trong bài Ảnh hưởng của lệnh cấm đào ở Trung Quốc lên hashrate Bitcoin, hashrate BTC đã giảm mạnh sau sự vụ này. Nhưng ảnh hưởng của lệnh cấm còn lớn hơn nữa, khi giá BTC dump vô cùng mạnh.
Lệnh cấm đào ở Trung Quốc làm giá BTC giảm mạnh – ghi danh vào top những lần điều chỉnh giá trong năm 2021. Nguồn: Kyros Ventures
22. El Salvador
Ngày 12/09/2021, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin làm phương thức thanh toán hợp pháp đầu tiên trên thế giới. Việc Bitcoin là tiền tệ hợp pháp tại El Salvador không chỉ có tác động trong phạm vi quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới- đặc biệt là chính sách tại Mỹ.
Tờ báo El Salvador vào ngày BTC trở thành tiền tệ hợp pháp
23. Bitcoin lập đỉnh ở 69.000 USD
Trên đà tăng trưởng của thị trường tiền mã hóa, nhờ nhiều xu hướng vĩ mô ủng hộ, Bitcoin ghi nhận mức đỉnh ATH ở 69.000 USD vào ngày 10/11/2021.
Đây là cột mốc giá cao nhất trong lịch sử thị trường tiền mã hóa.
24. Cú sụp đổ LUNA-UST, Do Kwon đối mặt bản án pháp lý
Cuộc khủng hoảng Terra (LUNA) và UST chỉ diễn ra trong vài ngày ngắn ngủi từ 08/05 đến 14/05/2022, nhưng đã quét đi hết biết bao nhiêu tỷ USD của thị trường crypto. Tầm ảnh hưởng của cú sụp đổ này vô cùng kinh hoàng, ảnh hưởng không chỉ riêng tiền mã hóa mà còn lan đến tài chính truyền thống.
Do Kwon, với tư cách là CEO Terraform Labs, được cộng đồng tiền mã hóa xem là cái tên chịu trách nhiệm trước sự sụp đổ của LUNA-UST. Mặc dù vậy, người này đã liên tiếp né các lệnh triệu tập từ chính quyền Hàn Quốc, trốn khỏi Singapore và được cho là ẩn náu tại Serbia, quốc gia có đường biên giới với Montenegro.
Chính quyền Hàn Quốc sau đó đã ra lệnh bắt giữ và hủy hộ chiếu Do Kwon, buộc người này có lẽ mới phải sử dụng giấy tờ giả để xuất cảnh, dẫn đến việc bị giới chức Montenegro bắt giữ vào tối ngày 23/03/2023.
Hiện tại, Kwon dù đang bị giam giữ tại Montenegro nhưng đang phải đối mặt với các yêu cầu dẫn độ của Hàn Quốc và Mỹ.
25. Three Arrows Capital khơi mào cuộc “khủng hoảng thanh khoản” và chuỗi phá sản 2022-2023
Bị ảnh hưởng trầm trọng từ sự kiện LUNA-UST kể trên, quỹ đầu tư Three Arrows Capital (3AC) của hai nhà sáng lập Zhu Su và Kyle Davies bắt đầu xuất hiện những tín hiệu đáng ngờ.
Tiếp đến đầu tháng 6, việc stETH bị depeg cùng “hiệu ứng dây chuyền” stETH – Alameda – Celsius đã khiến 3AC nhận thêm một cú đấm trời giáng. Đến ngày 02/07/2022, Three Arrows Capital chính thức nộp đơn xin phá sản lên toà án New York.
Mặc dù vậy, cột mốc này không phải là điểm kết thúc, mà thay vào đó lại là nơi bắt đầu của chuỗi “khủng hoảng thanh khoản” lan rộng trên thị trường, liên đới ra nhiều tổ chức khác trong thị trường crypto.
Cùng với việc thị trường bước vào giai đoạn trầm lắng, cũng như các điều kiện vĩ mô không thuận lợi, cuộc khủng hoảng thanh khoản và chuỗi phá sản kéo dài từ cuối 2022 đến tận 2023, như quỹ 3AC, Voyager, Celsius, FTX, BlockFi, Gemini, Prime Trust,…
26. Tornado Cash bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt
Tornado Cash là ví dụ điển hình nhất của xung đột giữa lý tưởng tiền mã hóa và quy định pháp lý hiện hành.
Ngày 08/08/2022, cộng đồng chấn động khi Mỹ liệt website Tornado Cash vào danh sách trừng phạt vì lý do dính líu đến các hoạt động rửa tiền phi pháp.
Vài ngày sau đó, các nhà phát triển của dự án lần lượt bị bắt giữ ở Hà Lan và Mỹ đã làm dấy lên tranh luận gay gắt về các lý tưởng trong nội bộ cộng đồng.
Hiện nay, thị trường vẫn chia rẽ sâu sắc giữa một bên là các giao thức tuân thủ theo quy định KYC của Mỹ và một bên là các dự án và nhà phát triển đề cao quyền ẩn danh.
27. FTX/Alameda sụp đổ, Sam Bankman-Fried bị buộc tội
Từ 06/11 đến 13/11/2022 được xem là “7 ngày tồi tệ nhất” trong lịch sử 13 năm của ngành crypto, tất cả chỉ vì một tổ chức, một người, được cộng đồng đặt trọn niềm tin vì những thứ đã làm trong quá khứ nhưng hóa ra lại là kẻ giả dối.
FTX buộc phải nộp đơn phá sản và dàn lãnh đạo mới dành cả năm 2023 để giải quyết các yêu cầu trả nợ của người dùng, cũng như kiện cáo tranh chấp tài sản.
Ở thời điểm hiện tại, FTX vẫn đang hứa hẹn trả nợ ở một tương lai không xa và để ngỏ khả năng tái khởi động lại một FTX 2.0 mới.
Tuy nhiên, cái tên Sam Bankman-Fried (SBF) mới làm báo giới tốn giấy mực nhiều nhất.
Là “đầu sỏ” gây nên sự sụp đổ kinh hoàng làm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tổ chức tài chính lẫn nhà đầu tư cá nhân, SBF đã trải qua phiên tòa xét xử kéo dài hơn 1 tháng với nhiều cáo buộc tội danh.
Cuối cùng, cựu CEO FTX bị tuyên có tội với tất cả 7 tội danh, gồm:
- Âm mưu gian lận tiền gửi của khách hàng;
- Gian lận tiền gửi của khách hàng;
- Âm mưu gian lận tiền của chủ nợ;
- Gian lận tiền của chủ nợ;
- Âm mưu gian lận tài sản;
- Âm mưu gian lận chứng khoán;
- Âm mưu rửa tiền.
Phiên tòa xác nhận bản án sẽ được tổ chức vào ngày 28/03/2024 và SBF có thể đối mặt với bản án lên đến 115 năm.
28. Ethereum hoàn thành nâng cấp The Merge, chuyển đổi từ PoW sang PoS
Cuối cùng sau bao tháng ngày chờ đợi, sự kiện được mong ngóng nhất trong cộng đồng Ethereum là The Merge đã chính thức hoàn thành vào ngày 15/09/2022.
The Merge giúp cho Ethereum chuyển đổi từ PoW sang PoS, trở thành một blockchain “rẻ” hơn cho tất cả. Việc loại bỏ các miner (thợ đào) giúp mạng sử dụng ít năng lượng hơn, vì vậy, phần thưởng cho các validator trên PoS cũng sẽ thấp hơn phần thưởng cho các miner. Điều này khi kết hợp với cơ chế đốt của EIP-1559 giúp tạo ra hiệu quả giảm phát cho ETH.
29. Pháp lý Mỹ bóp nghẹt ngành crypto
Bộ Tư pháp Mỹ, SEC cùng các cơ quan tài chính tiểu bang liên tục có những động thái pháp lý nhắm vào những cá nhân và tổ chức, cũng như toàn ngành tiền mã hóa nói chung.
Không những kiện tụng, cáo buộc là “chứng khoán”, SEC còn tìm mọi cách ngăn cản sự phát triển của ngành, đáng chú ý nhất là những lần từ chối chấp thuận đơn xin mở Bitcoin ETF của các tổ chức.
Hệ quả nhãn tiền này chính là việc nhiều tổ chức crypto lần lượt rút lui khỏi xứ sở cờ hoa, kể cả những dự án vốn dĩ được ươm mầm và phát triển ở thị trường này bấy lâu. Có thể kể đến như Gemini, Coinbase, hay Crypto.com, Animoca Brands.
Nếu có ở lại thì hoặc là thu hẹp quy mô hoạt động crypto như Jane Street, Jump Crypto hay buộc phải hủy niêm yết như Robinhood.
30. Hong Kong mở cửa
01/06/2023 đánh dấu ngày Hong Kong “mở cửa” với tiền mã hóa, cho phép nhà đầu tư cá nhân giao dịch crypto và có nhiều chính sách thúc đẩy thị trường.
Được xem là “cánh cổng” kết nối dòng tiền lớn từ Trung Quốc, Hong Kong mang đến hi vọng mới cho thị trường đang thiếu hụt động lực.
Tính đến nay giới chức Hong Kong chưa hề làm cộng đồng thất vọng. Từ chủ động mời gọi Coinbase đến thúc giục các ngân hàng lớn nhanh mở tài khoản cho sàn crypto. Doanh nghiệp địa phương cũng vô cùng hoan nghênh chính sách mới với ngân hàng HSBC làm tiên phong.
31. Các tổ chức tài chính Phố Wall nộp đơn Bitcoin ETF, SEC liên tục trì hoãn
Không còn chỉ trích hay đứng ngoài cuộc, các định chế tài chính truyền thống đã bắt đầu xem tiền mã hóa là một lớp tài sản thực sự. Dưới sự dẫn đầu của các ông lớn Phố Wall, hàng loạt công ty lớn tham gia vào thị trường, hợp tác mở sàn giao dịch và nộp đơn xin mở các sản phẩm ETF, có thể kể đến như BlackRock, Fidelity, WisdomTree, Valkyrie, VanEck, ,..
Tuy nhiên, SEC vẫn duy trì thái độ “diều hâu” của mình, liên tục trì hoãn và từ chối với lý do thị trường chưa đủ trưởng thành và chưa đạt các yêu cầu bảo vệ nhà đầu tư.
Dù vậy, khi đồng hồ điểm ngày càng gần, khả năng phê duyệt được dự đoán ngày càng cao, đẩy niềm kỳ vọng về một mùa bull-run kế tiếp lên đến đỉnh điểm.
32. Mỹ phạt Binance 4,3 tỷ USD, CZ từ chức và đối mặt bản án tù
Binance đã gặp nhiều khó khăn trên mặt trận toàn cầu chứ không riêng gì với thị trường Mỹ. Tuy vậy, sự đàn áp pháp lý của giới chức Mỹ “chĩa mũi dùi” nhiều nhất về phía sàn này, làm Binance và Binance.US điêu đứng.
Dẫn đến sự ra đi của hàng loạt các nhân sự cấp cao trong nội bộ sàn, cũng như việc phải rời bỏ các thị trường như Hà Lan, Đức, Nga,…
Dù ban đầu tuyên bố đấu tranh đến cùng nhưng sau rốt vào ngày 22/11/2023, Binance chấp nhận mức phạt 4,3 tỷ USD để khép lại cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp Mỹ. Cùng điều kiện đi kèm là nhà sáng lập Changpeng Zhao (CZ) phải từ chức CEO.
CZ đã phải trình diện trước tòa án Seattle, nhận tội danh “không áp đặt quy định chống rửa tiền” và chấp nhận đơn bảo lãnh trị giá 175 triệu USD để được tại ngoại trong lúc chờ ngày tuyên án, dự kiến là vào 23/02/2024. Cựu CEO Binance có thể đối mặt với bản án 18 tháng tù. Tuy vậy, đây vẫn là kết cục tốt đẹp hơn rất nhiều nếu so sánh với Do Kwon hay SBF.
Câu chuyện này cũng như khép lại một giai đoạn “miền Tây hoang dã”, không tuân thủ quy định pháp lý của ngành tiền mã hóa. Giờ đây, các công ty crypto dù hoạt động ở đâu hay đề cao tinh thần ẩn danh, phi tập trung thì cũng vẫn phải “chơi theo đúng luật chơi” của các quốc gia,.