Giai đoạn thị trường uptrend năm 2017 và 2021, các dự án trên launchpad đều được cộng đồng rất quan tâm, bởi vì lợi nhuận có thể lên tới 100 lần. Vậy launchpad là gì? Launchpad có thể giúp nhà đầu tư thay đổi vị thế trong kỳ bull-run sắp tới không?
Launchpad là gì?
Launchpad là những nền tảng hỗ trợ các startup Web3 mở bán token/NFT lần đầu tiên với những hình thức như IEO, IDO… Mục đích của launchpad là kết nối người dùng với dự án tiềm năng ở thời điểm ban đầu, đồng thời giúp startup có thể gọi vốn từ cộng đồng.
Thông thường, mỗi launchpad đều có quy trình và tiêu chí thẩm định startup khác nhau như khả năng bảo mật, tokenomic… để đảm bảo quyền lợi cho người dùng và tránh những trường hợp đầu tư vào dự án lừa đảo.
Theo số liệu từ Cryptorank, launchpad là một trong những nền tảng được nhiều nhà đầu tư quan tâm, với lợi nhuận (ROI) lên tới 3,000%, thậm chí 19,000%. Một số ví dụ launchpad nổi bật trong thị trường gồm Binance Launchpad, Coinlist…
Các mô hình gọi vốn phổ biến trên launchpad
Stake-to-access
Stake-to-access là mô hình hoạt động được đại đa số dự án launchpad sử dụng. Người dùng phải stake token được yêu cầu để nhận lại một suất (allocation) đầu tư vào startup. Số lượng stake càng lớn, allocation càng nhiều.
Mục đích của stake-to-access là tăng giá trị cho token của launchpad và đảm bảo tính ổn định. Ví dụ như Binance Launchpad yêu cầu người dùng stake token BNB để nhận allocation của dự án startup.
Tuy nhiên, nhược điểm của stake-to-access là mô hình đa cấp ponzi theo thời gian. Nếu tỷ lệ giữa token launchpad và allocation càng cao, đồng nghĩa người dùng cần phải bỏ nhiều tiền hơn để được nhận allocation. Đã từng có những trường hợp nhà đầu tư bỏ ra 30,000 USD chỉ để nhận về 20 USD token của dự án.
First-Come First-Served (FCFS)
FCFS là mô hình dành cho những nhà đầu tư “đến trước, mua trước” và số lượng allocation của mỗi người có giới hạn. Hiện tại, hình thức FCFS diễn ra phổ biến ở thị trường NFT.
Ưu điểm của FCFS tăng tính công bằng giữa những nhà đầu tư (người tới trước, phục vụ trước), mà không phụ thuộc vào tài sản stake như stake-to-access.
Nhược điểm của mô hình FCFS làm giảm giá trị dự án, bởi vì mọi người đều có khả năng tiếp cận dễ dàng và không có nhiều yêu cầu khi tham gia. Do đó, một số trường hợp mà startup sử dụng hình thức FCFS đã không gọi vốn đủ lớn, số lượng token/NFT chưa bán hết.
Mô hình NFT
Ngoài những mô hình trên, một số launchpad bắt đầu sử dụng mô hình NFT để tránh tình trạng ponzi. Cụ thể, người dùng sử dụng NFT của launchpad để đảm bảo allocation, thay vì phụ thuộc vào tỷ lệ phân bổ allocation theo số lượng token stake.
Trong trường hợp một dự án Web3 có nhiều nhà đầu tư tham gia, allocation vẫn phải chia đều cho số lượng NFT, thay vì chia theo số lượng token.
Ưu điểm của mô hình này cho phép các nhà đầu tư có cơ hội ngang nhau, bởi tỷ lệ phân bổ token dự án cho các NFT là bằng nhau. Ví dụ Starship ưu tiên những người nắm giữ NFT Starship membership tham gia đầu tư vào startup.
Đọc thêm: Phân tích các mô hình gọi vốn Launchpad.
Lợi ích của launchpad trong thị trường crypto
Dưới góc độ của nhà đầu tư, launchpad giúp họ tiếp cận những dự án startup sớm để mua token giá thấp và cơ hội lãi cao hơn so với thông thường. Ví dụ năm 2017 launchpad Coinlist cho phép người dùng mua token FIL với giá 1.91 USD, hiện ROI rơi vào mức 360%, thậm chí từng đạt mức 12,257%.
Mặc dù nhiều nhà đầu tư đã thay đổi vị thế chỉ với 1 – 2 dự án gọi vốn trên launchpad, tỷ lệ hoàn vốn vẫn không hoàn toàn 100%. Ví dụ ở dự án gọi vốn trên Moonstarter – Dead Knight (DKM) với ROI sau launchpad là âm 37.4% và hiện tại đã chạm đáy âm 100%.
Ở góc nhìn của những dự án startup, launchpad giúp họ dễ dàng gọi vốn từ cộng đồng, thay vì huy động từ quỹ đầu tư cùng hàng loạt điều khoản bắt buộc. Theo Cryptorank, thời điểm 2018, số tiền mà các dự án startup gọi vốn lên tới 4 tỷ USD, tương đương GDP của một quốc gia.
Ngoài ra, việc một dự án gọi vốn thành công và giúp nhiều nhà đầu tư thay đổi vị thế cũng góp phần phát triển cộng đồng của launchpad, startup.
Đọc thêm: Vai trò và ý nghĩa của Launchpad trong bull market.
Launchpad có cần tuân thủ quy định pháp lý không?
Hiện tại, đa phần các launchpad trong thị trường crypto đều tuân thủ theo quy định pháp lý và quy định riêng của từng quốc gia. Một số launchpad thậm chí chưa được phép mở bán ở nhiều quốc gia khác nhau, như Coinlist không được hoạt động ở Canada, Cuba…
Đối với nhà đầu tư, launchpad thường yêu cầu người dùng KYC để xác định danh tính, từ đó hạn chế những trường hợp như rửa tiền, khủng bố… Quy trình KYC cũng giúp launchpad hạn chế bot tham gia, tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư.
Đối với dự án, các launchpad thường có những cấp bậc đánh giá khác nhau. Mục đích của việc đánh giá không chỉ giúp người dùng tiếp cận dự án tốt, mà còn tránh những trường hợp pump và dump từ chính dự án hoặc quỹ đầu tư.